Làm việc đỉnh cao và hạnh phúc hơn với trạng thái Flow
- Nov 4, 2020
- 7 min read
Updated: Jul 19, 2021
Sự tập trung giúp bạn làm việc hiệu quả nhưng chính là trạng thái Flow mới giúp bạn đạt đến đỉnh cao và sự hạnh phúc đích thực.
Chúng ta đã nói về sự sao lãng làm chúng ta mất tập trung, lãng phí thời gian, giảm năng suất lao động, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chúng ta đã nói về cách kiểm soát các yếu tố gây sao lãng để hạn chế ảnh hưởng đến sự tập trung.
Hôm nay chúng ta sẽ nói về cách làm thế nào để tập trung cao độ và đạt hiệu quả cao trong công việc, hoạt động sáng tạo, thể thao hay bất kì hoạt động nào khác mà bạn cần sự tập trung để hoàn thành.
Chắc chắn bạn đã từng không ít lần rơi vào trạng thái tập trung cao độ làm một việc gì đó đến mức quên mất thời gian và mọi thứ xung quanh. Đó có thể là việc đọc sách, làm một bài tập, viết, vẽ, nhảy theo điệu nhạc, chăm sóc cây cảnh, thi đấu thể thao... Bạn không còn nhận ra bản thân hay việc mình đang làm. Dường như bạn và hoạt động đó đã hòa làm một. Sau khi hoàn thành việc đó, bạn cảm thấy thư thái, mãn nguyện, hài lòng; đó là một cảm giác tuyệt vời. Đây chính là trạng thái Flow (dòng chảy), hay trong âm nhạc, nghệ mọi người gọi là phiêu.
Chính trong trạng thái flow, bạn đạt được sự tập trung cao độ nhất, chất lượng công việc tốt nhất. Và nó đem đến cho bạn một cảm giác hạnh phúc mà bạn luôn tìm kiếm: làm công việc mà mình yêu thích.
TRẠNG THÁI FLOW LÀ GÌ
Flow là một trạng thái của tinh thần được nhà khoa học Mihály Csíkszentmihályi lần đầu đề cập một cách chính thức vào năm 1975. Khái niệm này thực ra đã tồn tại hàng nghìn năm, được đề cập trong những lĩnh vực khác dưới những tên gọi khác nhau. Nhưng Mihály Csíkszentmihályi đã cho nó một cái tên khoa học và thực hiện nghiên cứu sâu rộng trên nhiều đối tượng là nghệ sĩ, vận động viên.

Flow là một trong những trạng thái tinh thần con người có thể trải qua khi làm một việc gì đó, họ sẽ chìm đắm hoàn toàn trong sự tập trung cao độ, toàn tâm vào hoạt động đó và đạt sự thỏa thỏa mãn. Con người bị cuốn hút hoàn toàn bởi việc mình đang làm, và dẫn đến ý thức về thời gian bị thay đổi.
LỢI ÍCH CỦA TRẠNG THÁI FLOW
Chính trong trạng thái flow, con người đạt được năng suất lao động sáng tạo cao nhất và có được cảm xúc tích cực, hạnh phúc mãn nguyện về điều mình đang làm. Bạn quên mất thời gian, một giờ hay mười giờ cũng trôi qua rất nhanh. Bạn không để ý đến mọi thứ xung quanh, không một tiếng ồn, một hình ảnh, một câu chuyện nào có thể làm bạn phân tâm.
Dù bạn đang đi học hay đi làm, thì trạng thái flow là điều sẽ giúp bạn nâng cao năng suất lao động, sự sáng tạo và hạnh phúc với điều mình đang làm. Nó giúp bạn vượt qua mọi trở ngại thử thách và giải phóng tiềm năng của bạn trở thành năng lực thực thụ.
Trong thế giới hiện đại tràn ngập thông tin và các mạng xã hội, cũng như mô hình văn phòng mở, bạn sẽ luôn bị xen ngang bởi nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Và chính bạn đôi khi cũng chính là nhân tố tự gây mất tập trung bởi thói quen lướt web, check face... Sự tập trung trở thành thứ xa xỉ.
Người thành công chính là người có thể vượt qua những thử thách đó. Họ giữ mình luôn tập trung cao độ vào những việc mình làm, luôn hoàn thành công việc với chất lượng cao nhất. Họ không than phiền, bực bội, chán nản. Họ luôn cảm thấy hài lòng với việc mình đang làm.
ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ ĐỂ ĐẠT ĐẾN TRẠNG THÁI FLOW
Khi việc mình làm phù hợp với định hướng, mục tiêu, và thỏa mãn các động cơ nội tại như đam mê, có mục đích, sự tò mò, tự chủ,... thì chúng ta sẽ đạt tới trạng thái flow. Nói cách khác các yếu tố trên cùng chung một đích đến, không có cái nào mâu thuẫn với nhau.

Hãy tập trung suy nghĩ về định hướng, mục tiêu của bạn. Những điều bạn làm hàng ngày phải liên quan đến định hướng, mục tiêu của bạn, nó là những việc quan trọng. Những việc khác không giúp bạn đạt được mục tiêu là những việc không quan trọng, bạn cần bỏ qua hoặc ít nhất là để qua một bên và chỉ làm sau khi bạn đã hoàn thành những việc quan trọng.
Tìm kiếm những những động cơ nội tại cho việc quan trọng bạn đang làm. Nó giúp bạn thỏa mãn điều gì? Làm vì đam mê, làm vì nó có ý nghĩa, vì tò mò, được quyền tự chủ, nâng cao trình độ...
Bốn yếu tố ảnh hưởng đến trạng thái flow:
1. Sự tập trung
Hãy tự nhủ như thể đây là việc sống còn đối với bạn.
Mục tiêu bạn đặt ra cực kì quan trọng, có ý nghĩa với cuộc đời của bạn.
2. Cân bằng giữa mức độ khó của công việc và trình độ kĩ năng của bạn
Mức độ khó của công việc phải cao hơn khả năng của bạn, nhưng không phải là quá xa vời
Nếu quá khó, bạn sẽ bị choáng ngợp, chới với và chuyển sang trạng thái phòng thủ với những suy nghĩ thiếu sáng suốt cho qua chuyện hay né việc.
Nếu việc quá dễ, bạn sẽ mau chóng chán
Nếu bạn muốn tạo ra nhiều flow, hãy tạo ra những thử thách mỗi ngày
3. Mục tiêu rõ ràng
Mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cân đo đong đếm được sẽ giúp bạn xác định được sự thành công
4. Sự phản hồi tức thì
Trong luyện tập thể thao, bạn dễ dàng đạt trạng thái flow khi có huấn luyện viên nhắc nhở bạn chỉnh sửa ngay những động tác, hành động chưa đúng
Trong công việc cũng vậy, bạn cần có sự phản hồi ngay lập tức để điều chỉnh kịp thời. Bạn không thể chờ vài tháng.
Để đạt trạng thái flow, chúng ta phải đi qua 4 giai đoạn của vòng chu trình flow. Bạn không thể ở mãi tại trạng thái flow, bạn sẽ phải lần lượt xoay vòng 4 trạng thái.
Giai đoạn 1: Thích nghi
Tiếp nhận thông tin, yêu cầu của việc cần làm. Lúc này bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp và bất lực, chán nản vì mình không có nền tảng, kinh nghiệm, kiến thức cần thiết. Bạn càng làm, càng học thì càng cảm thấy không có chút tiến bộ nào. Điều quan trọng là không để cho cảm giác chán nản làm bạn bỏ cuộc. Hãy hiểu và tự nhủ đây là điều bình thường tự nhiên diễn ra trong giai đoạn này. Bạn sẽ có cảm giác căng thẳng trong đầu, đây là lúc não bộ đang tiếp nhận, sắp xếp thông tin mới. Hãy kiên trì tiếp tục để chuyển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Thư giản, buông bỏ
Hãy nghỉ giải lao thư giãn trong chốc lát. Đó phải là một sự nghỉ ngơi hoàn toàn. Lướt web, check mail, facebook hay xem TV hoàn toàn không có tác dụng vì nó không làm giảm sự căng thẳng của não bộ. Não bộ cần thư giãn thật sự, không tập trung, không làm gì cả. Và trong sự thư giãn đó, tiềm thức sẽ làm phần việc tiếp nhận sắp xếp thông tin và chúng ta sẽ sẵn sàng qua giai đoạn 3. Chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đạt tới trạng thái flow nếu não bộ không được nghỉ ngơi và ta sẽ mắc kẹt trong gian đoạn 1 và 2.
Kiểm soát tâm trí của bạn. Nếu bạn đang căng thẳng hay đang có quá nhiều thứ suy nghĩ trong đầu thì bạn sẽ không thể đạt trạng thái flow. Hãy dành thời gian giải quyết các việc khẩn cấp. Tập buông bỏ bớt những điều nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Tập thư giãn đầu óc bằng hít thở, dạo bộ, tập vài động tác yoga...
Giai đoạn 3: Flow
Đây là trạng thái flow mà bạn đang tìm kiếm. Cả một hành trình dài để đạt đến trạng thái này và nó cũng rất dễ biến mất nếu bạn bị phân tâm bởi ai đó hoặc tiếng chuông điện thoại, âm thanh.
Hãy kiểm soát các nguồn gây xao lãng như: tắt chuông báo điện thoại và để một nơi ngoài tầm mắt; tắt phần mềm email, chat...; tìm một nơi yên tĩnh không bị ai quấy rầy để làm việc.
Thông thường trạng thái flow có thể kéo dài khoảng 90-110 phút. Hãy đảm bảo bạn dành ra khoảng thời gian này trong ngày và bảo vệ nó khỏi bất kì sự gián đoạn nào có thể xảy ra.
Mỗi cá nhân sẽ đạt trạng thái flow vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Hãy dành thời gian theo dõi bản thân xem bạn thường làm việc tập trung hiệu quả vào khoảng thời gian nào trong ngày và sau đó điều chỉnh lịch làm việc cho phù hợp.
Giai đoạn 4: Hồi phục

Sau giai đoạn flow làm việc đỉnh cao, bạn chuyển sang giai đoạn hồi phục. Bạn sẽ rơi vào trạng thái buồn phiền, đừng lo, đó chỉ là cảm giác nhất thời do những chât gây hưng phấn đã tiêu hao hết trong giai đoạn flow.
Tương tự giai đoạn 2, nhưng lần này não bộ cần thư giãn sau khi đã làm việc hết công suất. Bạn để cho não chuyển đổi trải nghiệm vừa qua thành một phần trí nhớ dài hạn. Khi đó bạn sẽ không mất nhiều thời gian để đi qua hai giai đoạn đầu như khi lần đầu tiên thực hiện.
Nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể thao, ngủ đủ giấc là những cách phục hồi hiệu quả cho giai đoạn này.
Comments