Nếu chưa tìm được người bạn đời sẵn sàng hỗ trợ sự nghiệp của bạn thì đừng vội vã lập gia đình
- Jan 8, 2021
- 4 min read
Updated: Jul 19, 2021
Đối với các bạn nữ có tham vọng nghề nghiệp, bạn phải đối mặt với hai ưu tiên chỉ có thể chọn một: hoặc gia đình hoặc sự nghiệp. Và lựa chọn người bạn đời cũng phải phù hợp với ưu tiên của bạn. Nó sẽ quyết định sự thành bại trong cuộc sống của bạn
Nếu bạn ưu tiên sự nghiệp, hãy chọn người bạn đời luôn sẵn sàng hi sinh hỗ trợ sự nghiệp của bạn hoặc không ai cả. Một lựa chọn nữa vời sẽ chỉ làm tổn hại sự thăng tiến và cuộc sống cá nhân của bạn.

Thế kỉ 20 chứng kiến sự vươn lên của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực và thế kỉ 21 sẽ có sự thích nghi của người đàn ông trong vai trò hỗ trợ nửa kia của mình xây dựng sự nghiệp. Sự chuyển đổi này không dễ dàng và sẽ vấp phải những khó khăn chủ quan và khách quan. Nhưng ích lợi mang lại cho vai trò của người phụ nữ cho một xã hội tiến bộ là vô cùng to lớn.
Cho tới giờ, không nhiều người đàn ông sẵn sàng cho việc này. Không phải vì họ không tiến bộ hay không hỗ trợ. Họ cũng rất vui vẻ khi có một người vợ thành công, chức vụ cao, thu nhập tốt. Nhưng khi sự nghiệp của người vợ bắt đầu ảnh hưởng đến sự nghiệp của người chồng thì mọi chuyện bắt đầu rắc rối. Phần lớn lý do người phụ nữ quyết định nghỉ đi làm đều liên quan đến người đàn ông trong gia đình. Phụ nữ vừa phải chu toàn việc nhà, chăm sóc con cái, trợ giúp người chồng tập trung vào sự nghiệp. Phần lớn đàn ông dù nói rằng họ rất ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp nhưng lại không chịu điều chỉnh lịch làm việc hay chia sẻ việc nhà, việc chăm sóc con cái.
Điều này khiến phụ nữ lâm vào tình huống nan giải và cảm thấy sốc. Chúng ta nghĩ rằng những cặp đôi được giáo dục tốt, có tinh thần bình đẳng sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ nhau trở thành những người tốt đẹp nhất có thể. Nhưng thực tế người chồng luôn muốn sự nghiệp của họ được thăng hoa trước tiên rồi mới đến lượt người vợ. Còn người vợ thì luôn kì vọng một sự bình đẳng (chứ chưa nói tới việc ưu tiên sự nghiệp vợ trước rồi mới tới chồng).

Nhưng việc tạo ra cơ hội cho cả hai cùng phát triển sự nghiệp đòi hỏi một năng lực phi thường. Chưa kể nếu có con cái thì việc này càng khó khăn gấp bội. Do đó, mọi người thường đi theo một con đường dễ dàng hơn, một lựa chọn truyền thống. Người đàn ông sự nghiệp và người phụ nữ gia đình. Người phụ nữ tự nguyện lùi về phía sau hỗ trợ và chăm lo gia đình. Sự nghiệp người vợ sẽ chỉ duy trì ở mức bình thường, và phải từ bỏ những cơ hội thăng tiến hiếm có khi mà sự hi sinh là quá lớn. Điều này dẫn đến việc khoảng cách sự nghiệp giữa người phụ nư và người đàn ông ngày càng xa và khó bắt kịp. Đến lúc họ có thời gian vào sự nghiệp, khi mà con cái đủ lớn và độc lập, thì họ cũng không còn nhiều thời gian và sức lực vì đã gần đến tuổi nghỉ hưu.
Để duy trì cân bằng trong gia đình để hai bên đều có cơ hội phát triển sự nghiệp đòi hỏi nỗ lực, cảm thông, hi sinh của cả hai bên. Một số gợi ý về cách thức duy trì sự cân bằng này:
- Tầm nhìn chung: thảo luận về mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân càng sớm càng tốt và đánh giá lại thường xuyên về mức độ hoàn thành cũng như những thay đổi. Dựa trên tầm nhìn chung, hai bên cùng đưa ra những kế hoạch thực hiện, những ưu tiên trong những thời điểm khác nhau và sự cam kết thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc. Hãy đưa ra các yêu cầu rõ ràng về mỗi bên phải hỗ trợ như thế nào. Sự mơ hồ, kì vọng không rõ ràng có thể phá hỏng sự cân bằng và hạnh phúc.
- Lắng nghe: Chúng ta thường hay phàn nàn rằng: "nói mà ko nghe nên ra cớ sự này", "có nghe đâu mà nói"... Chúng ta luôn cho rằng ý kiến mình quan trọng, hoặc đối phương không bao giờ chịu lắng nghe. Lắng nghe là quan trọng vì điều chúng ta đang làm đòi hỏi nỗ lực của 2 người. Một người không thể tự hoàn thành. Hãy tập trung vào mục đích, lý do vì sao người bạn đời của bạn lại nói như vậy. Tại sao họ làm như vậy. Họ làm vậy để đạt được điều gì. Có nhiều cách thực hiện để đạt được một mục đích nào đó. Hãy lắng nghe và tìm ra một cách thức chung để đạt được điều cả hai cùng muốn.
- Phản hồi tích cực: Hãy nói về những điều tốt đẹp đã hoàn thành và rồi mới đến những điều chưa tốt đẹp cần điều chỉnh. Tránh dùng những từ ngữ tiêu cực, quy chụp, thiếu căn cứ, vơ đũa cả nắm. Bạn đang bực bội vì kết quả không như kì vọng thì những lời nói ra đa phần sẽ rất tiêu cực và dễ làm tổn hại mối quan hệ. Hãy nhận biết khi nào bạn đang bực bội. Và chờ đến khi cảm xúc nguôi ngoai thì bạn hẵng góp ý cho bạn đời.
- Tăng cường nhận thức về bản thân: bạn là người như thế nào, bạn dễ bực bội vì điều gì, bạn thích thú khi làm việc gì. Bạn lo sợ điều gì. Tại sao bạn dễ phản ứng với một điều gì mà người bạn đời của bạn nói ra, mặc dù thực tế nó có vẻ vô hại. Tự Nhận thưc để giúp bạn biết được điểm mạnh điểm yếu của mình, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm trong mối quan hệ.
Comments