Làm sao để chinh phục công việc mới trong 2 tháng thử việc?
- Nov 23, 2020
- 9 min read
Updated: Jul 19, 2021
Chúc mừng bạn đã nhận được công việc mới sau nhiều tuần phỏng vấn căng thẳng. Bạn đã sẵn sàng bước vào 2 tháng thử việc. Đây là thời điểm quan trọng cho bạn và cho sếp tương lai của bạn xác định liệu hai bên có phù hợp với nhau.
Đây là lúc bạn thể hiện bạn là ai, năng lực của bạn là gì và khả năng bạn làm quen với văn hóa mới, công việc mới và quan trọng nhất là khả năng làm việc với sếp mới. Vậy bạn cần làm những gì để trong hai tháng thử việc bạn gây ấn tượng tốt với sếp, với team và những đồng nghiệp khác trong công ty, để cuối cùng vượt qua giai đoạn thử việc một cách thành công. Nhưng đồng thời trong giai đoạn này bạn cũng phải làm rõ liệu đây có phải là công việc phù hợp với mình trong hiện tại và tương lai (5-10 năm); đây có phải là nơi phù hợp với mình về mặt giá trị, văn hóa, tư tưởng; mình có thể học hỏi và phát triển bản thân lên một tầm cao mới sau mỗi tháng, mỗi năm. Hãy xác định rõ mục tiêu để bạn có quyết định đúng đắn sau thời gian thử việc.
Mỗi vị trí và công việc thuộc về công ty nơi bạn làm việc, nhưng sự nghiệp thì thuộc về bạn. Bạn làm việc cho công ty và xây dựng sự nghiệp cho bạn. Bạn giao kết quả công việc cho sếp và bạn giữ lại kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cho sự nghiệp của bạn. Hãy đảm bảo rằng mọi công việc bạn đang làm đều mang lại điều mới mẻ hữu ích cho sự nghiệp của bạn.

1. Chuẩn bị trước ngày đi làm đầu tiên
Hãy chủ động, sẵn sàng và chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Sau khi nhận thư mời làm việc, hãy liên hệ nhân viên nhân sự để hỏi những giấy tờ cần thiết mà bạn cần phải chuẩn bị. Sẽ có những giấy tờ bạn có sẵn và những loại giấy tờ có thể phải cần vài tuần mới có. Hãy thông báo cho phòng nhân sự nếu bạn cần thêm thời gian để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Và ngày đi làm đầu tiên, hãy mang theo đầy đủ các giấy tờ bạn đã chuẩn bị.
Tiếp theo hãy gửi thư cảm ơn sếp tương lai của bạn và điều quan trọng là hãy hỏi xem liệu có việc gì bạn có thể làm trước ngày đi làm đầu tiên. Thông thường bạn sẽ tiếp nhận công việc từ người sắp nghỉ. Nếu bạn có thể tiếp nhận sớm hơn, tận dụng thời gian để học hỏi, làm quen trước khi người cũ nghỉ thì đó là điều cực kì hữu ích. Bạn sẽ không bị choáng ngợp vào ngày đầu tiên đi làm.
Và một điều nhỏ khác bạn có thể phải chuẩn bị, đó là tìm hiểu đoạn đường đi từ nhà tới chỗ làm mới, chỗ gửi xe, chỗ ăn trưa, những cửa hàng tiện lợi xung quanh...
Hãy tìm hiểu về mức độ kẹt xe của đoạn đường từ nhà tới nơi làm, những lộ trình thay thế vào thời điểm đông xe, vắng xe, và khi trời mưa, ngập. Hãy chắc rằng bạn có thể đến chỗ làm đúng giờ ngày đầu tiên và những ngày tiếp theo bất kể trời nắng hay mưa. Và khi đến nơi bạn có chỗ gửi xe, không chỉ có một lựa chọn mà bạn nên có vài lựa chọn, từ chỗ gần nhất đến xa nhất, chỗ có thể gửi trễ. Đây là vấn đề của những bạn làm việc tại những tòa nhà văn phòng ở khu vực trung tâm nơi chỗ gửi xe rất hạn chế.
Bạn cũng phải biết chỗ ăn trưa. Công ty có căn tin để bạn mang cơm theo không. Những quán ăn xung quanh công ty mà bạn có thể đi đến không mất quá nhiều thời gian. Và cả những nhà hàng, quán ăn lớn để bạn có thể mời đồng nghiệp trong một số dịp ví dụ như mừng bạn đã tốt nghiệp hai tháng thử việc; sinh nhật; họp team...
Sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn sẵn sàng cho ngày đầu tiên đi làm.
2. Tháng thứ nhất: Tìm hiểu và kết nối.
Đây là thời điểm bạn làm quen với việc mới, công ty mới và những mối quan hệ mới. Bạn cần biết về những mong đợi của sếp và mọi người về công việc mà bạn sẽ đảm nhận.
Bạn sẽ làm quen với chỗ ngồi mới, những ngóc ngách trong văn phòng, đâu là máy in, đâu là căn tin, phòng họp, những văn phòng khác của công ty... Bạn sẽ được dẫn đi giới thiệu với mọi người trong phòng, các phòng ban khác có liên quan. Sếp trực tiếp của bạn hoặc đồng nghiệp nào đó sẽ là người dẫn dắt bạn trong thời gian đầu. Hãy tận dụng cơ hội để tìm hiểu về mọi thứ liên quan đến công việc của bạn.
Hãy hỏi và lắng nghe từ sếp, đồng nghiệp, cấp dưới của bạn xem họ mong muốn điều gì từ bạn, cách làm việc, điều gì là quan trọng. Hãy chú ý cách giao tiếp và truyền đạt thông tin để bạn có thể nói theo cách mà mọi người đều quen thuộc. Sẽ có người thích gặp trực tiếp, người ưa dùng điện thoại, ngươi thích email, chat... Biết sử dụng linh hoạt các kênh giao tiếp sẽ tăng hiệu quả thông điệp của bạn.
Bạn sẽ phải hỏi rất nhiều về vai trò, nhiệm vụ của bạn. Những việc làm hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Mục tiêu từng việc là gì, kết quả mong đợi như thế nào; quy trình thực hiện; cần phải phối hợp với ai ở phòng ban nào; báo cáo kết quả thế nào, cho ai... Bạn cần thảo luận với sếp để đảm bảo mối quan tâm của sếp được thể hiện trong kết quả công việc, thứ tự ưu tiên các loại công việc. Hãy đặt ưu tiên của bạn vào những nhiệm vụ mà sếp bạn quan tâm và làm thật tốt, chỉnh chu, hoàn hảo và hoàn thành trước hạn.
Khi bạn được dẫn đi giới thiệu với mọi người, hãy chuẩn bị sẵn một bài giới thiệu ngắn gọn súc tích về bản thân để mọi người nhanh chóng làm quen và nhớ về bạn. Sau một thời gian, bạn sẽ tự đi gặp những người đồng nghiệp mới và bài giới thiệu sẽ giúp bạn gây ấn tượng. Hãy tìm hiểu xem ai là người "quan trọng" trong các quy trình làm việc mà bạn sẽ đảm nhận. Những người ra quyết định, những người có khả năng gây ảnh hưởng đến kết quả công việc, người duyệt chi phí... Bạn làm quen với những người "quan trọng", tạo ấn tượng tốt thì khi bạn bắt đầu vào việc, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn, sẽ giảm bớt trở ngại khi trình bày ý tưởng.
Sau khi bạn đã biết về công việc của mình, hãy tìm hiểu về hoạt động của các phòng ban trong công ty để giúp bạn hình dung về bức tranh tổng thể và mức độ đóng góp của bạn vào hoạt động công ty. Điều này sẽ giúp bạn có tư duy tầm nhìn chiến lược hơn khi giải quyết vấn đề. Mọi giải pháp bạn đưa ra không chỉ thỏa mãn lợi ích của phòng ban mình mà còn hướng đến lợi ích cho tổng thể.

Tháng thứ hai: Tạo kết quả tích cực.
Chúc mừng bạn đã sống sót qua tháng thứ hai và cũng là tháng cuối cùng trong thời gian thử việc. Bạn đã hình dung một số công việc hàng ngày hàng tuần hàng tháng, định hướng của vị trí, của phòng ban, của công ty, mối liên hệ giữa công việc của bạn với nhiệm vụ của phòng ban và trong guồng máy hoạt động của công ty. Bạn cũng đã biết một số gương mặt quan trọng trong công ty. Đây là lúc bạn chứng tỏ giá trị của mình. Không chỉ là tiếp nhận bàn giao và cho công việc chạy một cách tương đối trôi chảy mà bạn bắt đầu đóng góp ý kiến, giải pháp một cách tích cực để cải thiện quy trình, phương pháp hiện tại của công ty. Đây là lúc bạn giúp sếp bạn chứng minh quyết định tuyển dụng bạn là một lựa chọn đúng đắn.
Việc thể hiện giá trị bằng các ý kiến, cải tiến, đề xuất cần phải được thể hiện một cách phù hợp với văn hóa công ty. Không ai muốn bị một người mới vào nói với mình cách làm của anh chị chưa tốt, cần phải cải thiện bước A, B, C... Mọi người sẽ dễ dàng xem đó như công kích cá nhân và bạn sẽ tự đẩy mình vào thế khó với tất cả mọi người trong mọi việc từ đơn giản đến phức tạp. Mọi ý kiến đề xuất cần phải được thảo luận, đồng thuận trên cơ sở cộng tác để đem lại lợi ích cho các bên và cho công ty. Hãy thảo luận với sếp về kế hoạch cải tiến của bạn và cả với các bên có liên quan. Chỉ khi đạt được sự đồng thuận thì kế hoạch của bạn mới có cơ sở để thành công.
Hãy lựa chọn những lĩnh vực với mục tiêu phù hợp với sở trường của bạn và đảm bảo tính khả thi trong thời gian vài tháng, tốt nhất la trước thời điểm đánh giá quý hay sáu tháng gần nhất. Khi đặt mục tiêu hãy đảm bảo tính SMART (Specific: cụ thể không mơ hồ; Measurable: có thể đo lường để chứng minh bạn đạt được mục tiêu; Achievable: bạn có thể hoàng thành mục tiêu; Relevant: mục tiêu của bạn giúp hoàn thành mục tiêu của phòng ban, của sếp bạn; Time bound: Có thời hạn hoàn thành rõ ràng, tốt nhất là không quá 3 tháng). Đã xong kế hoạch và được duyệt, hãy tiến hành công việc.
Trước thời điểm kết thúc thử việc, bạn đã hoàn thành kế hoạch hoặc một phần kế hoạch của mình. Hãy đặt lịch họp và trình bày quá trình làm việc, kết quả đạt được và kế hoạch tương lai bạn dự định thực hiện. Hãy thể hiện giá trị mà bạn có thể đóng góp cho công ty. Điều này sẽ giúp sếp đánh giá liệu bạn có phù hợp và tiếp tục hợp tác với bạn.

3. Nhưng nếu qua gần hai tháng và bạn cảm thấy có gì đó không ổn.
Sau gần hai tháng làm việc, bạn cảm thấy kì vọng không như trong những buổi phỏng vấn ban đầu. Trước khi ra quyết định tiếp theo, hãy thực hiện đánh giá toàn diện về công việc, công ty, sếp và chính bạn. Bạn đang tìm kiếm điều gì ở công việc mới. Điều gì ở nơi làm việc mới khiến bạn thích và không thích. Những điều này có liên quan đến mục đích của bạn. Có những điều bạn thích nhưng nó không liên quan đến mục đích bạn tìm kiếm trong công việc mới, ví dụ đồng nghiệp thân thiện nhưng điều bạn tìm kiếm là những đồng nghiệp giỏi để bạn học hỏi. Và những điều bạn không thích nhưng nó có giúp bạn đạt được mục đích bạn đang tìm kiếm không. Bạn không thích sếp khó tính cầu toàn hay la mắng, nhưng đây là một người sếp giỏi có thể giúp bạn phát triển kĩ năng lên một tầm cao mới. Còn nhiều điều khác để bạn đem ra phân tích cân nhắc thiệt hơn trước khi ra quyết định cuối cùng. Nếu bạn không làm rõ bước này, bạn không rõ điều bạn muốn và điều gì giúp bạn đạt được điều đó thì nhiều khả năng công việc bạn chọn tiếp theo cũng sẽ đi theo vết xe đổ trước đó.
Dù bạn quyết định thế nào thì bạn nên cân nhắc đạt được hai mục đích sau:
a. Đem lại ích lợi cho sự phát triển của bản thân: không chỉ là lợi ích tài chính mà còn là khả năng gia tăng giá trị cho bạn. Nó phải giúp bạn tốt hơn mỗi ngày, làm được nhiều việc hơn, việc làm được đem lại giá trị cao hơn. Để tháng sau, năm sau bạn có thể tự tin nói rằng mình đã tiến bộ hơn, mình đã ở một tầm cao hơn. Khó khăn to lớn ngày hôm qua chỉ là chuyện nhỏ ngày hôm nay.
b. Lợi ích đạt được phải có tính bền vững lâu dài: có thể bạn chấp nhận một mức lương thấp trong hiện tại nhưng cơ hội học hỏi lớn để bạn xây dựng một sự nghiệp vĩ đại trong tương lai. Đó là việc bạn quan tâm đến sức khỏe của mình để đảm bảo bạn có thể hoạt động tốt trong 20-30 năm nữa, tối thiểu là vẫn khỏe mạnh minh mẫn năng động cho đến tuổi nghỉ hưu. Một công việc thu nhập cao nhưng buộc bạn phải phá sức, làm việc không ngơi nghỉ, căng thẳng quá mức chịu đựng thì sớm muộn bạn sẽ gục ngã và sẽ mất nhiều thời gian để có thể gượng dậy.
Comments