Khắc phục tính hay quên
- Phượng NTK
- Aug 2, 2021
- 4 min read
Chúng ta hay quên làm nhiều thứ hàng ngày: quên mang chìa khoá, quên đóng tiền điện nước, quên thực hiện cuộc gọi quan trọng, quên cuộc hẹn với người yêu, quên giờ đi thi, quên password email, quên số pin ATM, thậm chí quên cất thẻ ATM sau khi rút tiền... Việc này diễn ra từ khi ta còn bé đến khi ta già. Thầy cô trả bài, chúng ta trả lời em quên làm bài tập. Sếp hỏi báo cáo, chúng ta trả lời em quên mất. Chúng ta quên ngày sinh nhật của người thân yêu, ngày cưới, những ngày kỉ niệm quan trọng...

Thực sự tính hay quên có phải là một đặc tính của con người hay chỉ là một lý do để biện minh cho sự thiếu chú ý, thiếu quan tâm hay cố tình không thực hiện việc cần làm? Theo các nghiên cứu khoa học, con người có thể quên nhiều thứ mỗi ngày. Chúng ta quên mất khoảng 20% thông tin đã nhận sau khoảng 20 phút, Và quên 70% sau 24 tiếng. Sau 1 tháng chúng ta chỉ còn nhớ khoảng 20% những gì còn lại.
Ngày nay, chúng ta tiếp nhận rất nhiều thông tin, nhiều thứ phải nhớ, nhiều việc phải làm. Chúng ta phải cập nhật danh sách việc cần làm, gạch bỏ việc đã làm, ghi nhận việc mới và theo dõi những việc đang làm. Có những việc thường nhật và những việc đột xuất. Khi số lượng điều cần làm ngày càng nhiều, cùng với những việc đột xuất bất ngờ, tình trạng hay quên sẽ tăng lên.
Một cách hữu hiệu để khắc phục tình trạng hay quên đó là sử dụng các phương thức nhắc nhở khác nhau như lịch, các ứng dụng trên điện thoại, đồng hồ, máy tính, hay nhờ người khác nhắc nhở... Khắp nơi có những biển báo nhắc nhở chúng ta như đổ rác đúng chỗ, xếp hàng, đeo khẩu trang, rửa tay...
Rõ ràng các hệ thống nhắc nhở (reminders) có tác dụng đáng kể giúp chúng ta hạn chế quên một số việc quan trọng. Tuy vậy, nếu chúng ta có quá nhiều mục nhắc nhở, hoặc nhắc nhở quá sớm hay quá trễ sẽ làm mất tác dụng. Nếu bạn có quá nhiều thông báo trên điện thoại về mọi thứ, bạn sẽ có xu hướng bỏ qua những thông báo quan trọng, và trong một số trường hợp bạn bỏ qua các thông báo. Hoặc nếu những thông báo đến quá sớm hoặc quá trễ so với thời điểm phải thực hiện, nó cũng không có tác dụng, bạn vẫn quên mất điều cần phải làm. Vậy chúng ta có thể làm gì để những reminders hoạt động hiệu quả hơn?
LÊN KẾ HOẠCH CỤ THỂ VÀ CÓ MỐC GỢI Ý
Khi làm việc gì đó, nếu nó quá đơn giản thì thường chúng ta không lên kế hoạch và rồi chúng sẽ rơi vào quên lãng. Hoặc chúng ta lên kế hoạch các bước A-B-C để thực hiện nhưng thiếu những mốc gợi ý cụ thể để có thể giúp chúng ta nhớ được khi nào chúng ta sẽ làm. Nếu bạn dự định HÔM NAY sẽ đi ra ngân hàng làm thủ tục, nếu chúng ta chỉ dựa vào trí nhớ để nhắc chúng ta sẽ đi ra ngân hàng trong hôm nay thì khả năng cao là bạn sẽ quên mất việc đó. Nếu chúng ta làm kế hoạch đó cụ thể chi tiết hơn thì khả năng ghi nhớ sẽ nâng lên. Ví dụ ngày hôm nay tôi dự định ra chi nhánh ngân hàng A ở đường X vào lúc 3PM. Và tốt hơn nữa nếu bạn tạo sự liên kết giữa việc bạn định làm với 1 việc nào đó mà bạn chắc chắn làm. Việc chắc chắn làm xảy ra trước, theo sau là việc cần phải làm. Ví dụ tôi sẽ ra ngân hàng vào 3PM sau buổi họp hàng tuần với sếp. Buổi họp sẽ là một mốc gợi ý cho bạn thực hiện việc đi ra ngân hàng. Khi chúng ta dành thời gian suy nghĩ cụ thể hơn về việc phải làm, nó sẽ ăn sâu vào bộ nhớ hơn các cách sơ sài. Mốc gợi ý có thể là bất cứ điều gì chúng ta chắc chắn gặp hay làm hàng ngày. Nếu bạn hay quên chìa khoá khi đi ra ngoài, hãy đặt nó vào đôi giày ta mang hàng ngày.

NẾU KẾ HOẠCH THỰC HIỆN PHỨC TẠP, HÃY CHIA NHỎ VÀ SỬ DỤNG CHECKLIST
Đôi lúc có những việc quá phức tạp đòi hỏi nhiều bước, nhiều thời gian thì việc lập kế hoạch giúp bạn chia nhỏ việc lớn thành những bước nhỏ hơn và dễ kiểm soát hơn. Và để đảm bảo bạn không bỏ sót những điều cần phải làm, theo dõi tiến trình hoàn thành thì checklist sẽ là một công cụ đắc lực nhắc nhở bạn hoàn thành tất cả các bước. Việc theo dõi tiến độ hoàn thành trên checklist cũng tạo thành một động lực cho bạn tiến dần đến mục tiêu đã đặt ra.

Khi chúng ta đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn, nhiều việc hơn, vừa ở công ty vừa làm cha mẹ thì chúng ta dễ dàng bị quá tải bởi quá nhiều yêu cầu, công việc phải thực hiện. Và chúng ta sẽ dễ quên những điều quan trọng cần phải làm. Nhưng nếu chúng ta dành thêm một tí thời gian để suy nghĩ về kế hoạch, thêm những gợi ý và đặt những thông báo vừa đúng lúc thì chúng ta sẽ khắc phục được tính hay quên.
Comments