Cải thiện cách suy nghĩ Critical Thinking
- Phượng NTK
- Aug 13, 2021
- 5 min read
Hàng ngày chúng ta suy nghĩ và không suy nghĩ khi thực hiện nhiều việc cá nhân, tập thể, công việc, gia đình... Trong cách suy nghĩ của chúng ta cũng có lúc chủ động, thụ động và tự động. Một trong những suy nghĩ thường khiến ta mắc sai lầm là cách suy nghĩ tự động dựa trên kinh nghiệm đã trải qua, dựa vào những điều mình đã biết và đưa ra quyết định mà bỏ qua yếu tố môi trường đã có sự thay đổi so với những gì chúng ta đã biết.
Chúng ta biết những gì chúng ta biết, chúng ta có thể biết rằng có những điều chúng ta không biết. Và chúng ta không biết những gì chúng ta không biết.
Khi ra quyết định, chúng ta dựa vào những quan điểm rút ra từ những gì chúng ta biết thông qua sự kiện, quan sát, kinh nghiệm đi qua lăng kính niềm tin của chúng ta. Ví dụ khi chúng ta tin rằng hàng giá rẻ là hàng kém chất lượng, hàng giá cao là hàng xịn, chúng ta sẽ ra quyết định mua món hàng có ghi giá cao hơn. Khi chúng ta quan sát thấy có nhiều cơn mưa xuất hiện sau một thời gian dài không mưa, ta cho rằng mùa mưa đã đến và ra quyết định thủ sẵn áo mưa trong cốp xe.
Đại dịch Covid vừa qua, có nhiều tranh cãi nổ ra giữa việc có nên đeo khẩu trang, có nên giãn cách, có nên tiêm vaccine... Mỗi hành động chúng ta thực hiện, một quyết định chúng ta đưa ra đều dựa vào những giả định mà chúng ta xây dựng từ những dữ liệu đầu vào. Do đó, chất lượng của quyết định phụ thuộc vào:
Chất lượng dữ liệu đầu vào
Quá trình lý luận
Kiến thức của cá nhân
"Em tưởng", "Ủa"... là những gì chúng ta thốt ra khi cái chúng ta nghĩ không như điều thực tế diễn ra. Để cải thiện chất lượng ra quyết định, chúng ta hãy thử áp dụng 3 thực hành đơn giản của phương pháp Critical Thinking sau đây nhé:
Xác nhận tính hiệu lực của dữ liệu đầu vào
Lý luận logic
Nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh, thời gian, không gian.
Thực hiện ba điều này rất tốn thời gian công sức và nếu bạn làm việc nhóm cách giao tiếp không gây hiểu lầm, khó chịu cũng là một vấn đề. Do đó ta không áp dụng điều này cho tất cả mọi việc diễn ra hàng ngày. Hãy chọn những việc quan trọng, có tác động lớn mà thực hành. Khi bạn lặp lại thường xuyên, nó sẽ trở thành thói quen suy nghĩ tự động và nó sẽ giúp bạn có cách nhìn và tư duy sắc bén trong công việc và cuộc sống.
Xác nhận tính hiệu lực của dữ liệu đầu vào
Chúng ta ra quyết định dựa vào những gì chúng ta quan sát, kinh nghiệm, Nó đi qua bộ lọc là niềm tin sẵn có của mỗi người. Chất lượng và hiệu lực của dữ liệu quyết định chất lượng của quyết định. Do đó hãy thẩm định lại những gì chúng ta biết, liệu rằng nó có đúng hay không, và liệu nó còn đúng từ lúc ta biết cho đến lúc ta thực hành quyết định hay không?
Một ví dụ đơn giản: bạn biết tin hôm nay cửa hàng đang có khuyến mãi. Bạn có một món hàng dự định mua và đang chờ dịp giảm giá để mua. Và bạn quyết định ngày mai đi ra mua món hàng đó. Nhưng khi bạn ra đến nơi thì món hàng bạn dự định mua không nằm trong đợt khuyến mãi. Bạn mất thời gian công sức. Một giả định bạn có trong đầu là món hàng bạn ưu thích chắc chắn nằm trong đợt khuyến mãi NHƯNG bạn không kiểm tra lại giả định đó.
Ví dụ khác là tình hình dịch COVID, những biện pháp phòng ngừa đưa ra được dựa trên những dữ liệu về đặc tính của virus và căn bệnh. Ban đầu không hạn chế đi lại, không giãn cách, không cảnh giác khi người ta cho rằng nó chỉ như bệnh cúm mùa. Sau khi có những thông tin rõ ràng hơn về khả năng lây lan, các khuyến cáo bắt đầu thay đổi sang yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn, giãn cách, phong toả...
Một cách thực hành đơn giản hàng ngày đó là bạn hãy tự hỏi mình và hỏi người đối diện liệu những căn cứ chúng ta đang đưa ra có đúng không? Bằng chứng nào cho việc đó?
Giống như ví dụ mua hàng khuyến mãi, hãy tự hỏi liệu món hàng mình tính mua có được khuyến mãi không? Làm sao mình có thể biết được? Và tìm câu trả lời. Nếu câu trả lời không rõ ràng, thoả đáng thì có nghĩa là điều bạn đang tin có vấn đề. Hãy tìm thêm hướng khác.
Lý luận logic
Khi chúng ta có dữ liệu, chúng ta sẽ thực hiện quá trình suy luận để ra kết luận, quá trình suy luận càng logic, hợp lý thì kết luận càng có xác xuất đúng đắn cao. Những cách lý luận logic phổ biến:
Diễn dịch
Quy nạp
Tương tự
Nhận biết và bác bỏ những nguỵ biện, một trong những cách nhiều người hay làm đó là tấn công cá nhânm, quơ đũa cả nắm. Một người có thể mắc sai lầm một lần hoặc nhiều lần, nhưng không có nghĩa rằng người đó suốt đời mắc sai lầm. Chúng ta gặp một vài người xấu không có nghĩa loài người là xấu và ngược lại. Có người ngày trước toàn làm việc xấu nhưng bây giờ đã hối cải và trở thành người tốt...
Nhìn nhận vấn đề theo nhiêu khía cạnh, thời gian, không gian
Một trong những xung đột thường xuyên giữa cha mẹ và con cái là con cái có quyền tự ra quyết định cho mình hay không. Cha mẹ có cái nhìn khác, con cái có cái nhìn khác. Nếu chúng ta không trao đổi, chúng ta không biết hai bên đang nhìn vào vấn đề theo góc độ nào.
Một sự việc có thể đúng vào hôm nay nhưng không còn đúng vào tháng sau. Trước Covid, được làm việc linh hoạt tại nhà là một niềm mơ ước. Nhưng khi covid xảy ra, mọi người đều ở nhà thì làm việc tại nhà không như là mơ nhất là khi bạn có con cái.
Nếu bạn làm ở các tập đoàn đa quốc gia, có những chính sách từ tập đoàn triển khai tại từng quốc gia phải điều chỉnh cho thích nghi với đặc điểm, tập quán của mỗi nước.
Trước một vấn đề, chúng ta cần hỏi ý kiến của nhiều người trên những phương diện khác nhau để có được cái nhìn toàn diện nhất có thể.
Vấn đề cần được xem xét theo chiều thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai
Vấn đề được xem xét theo chiều không gian: việc xảy ra ở đây, có thể xảy ra ở đâu khác nữa. Việc xảy ra ở một nơi xa, liệu nó có xảy ra ở đây.
Chúng ta cần khuyến khích sự đa dạng trong con người, suy nghĩ, tính cách... dù điều đó đôi khi sẽ mang lại sự khó chịu nhưng sẽ đảm bảo cho sự tồn tại bền vững lâu dài. Hãy nhìn vào hệ mặt trời: Trái đất chứa đựng sự sống đa dạng, thời tiết đa dạng, đất liền, biển, rừng, sa mạc...; những hành tinh không có sự sống khác có rất ít sự đa dạng. Bề mặt sao Hoả chỉ có đất, bụi, một màu vàng quanh năm suốt tháng


Comments