top of page

Bất đồng trong công việc

  • Dec 8, 2020
  • 4 min read

Updated: Jul 19, 2021

Phần lớn chúng ta không muốn có sự bất đồng ý kiến hoặc không biết làm điều đó như thế nào. Thật ra khi ai đó nói “tôi không đồng ý" hay “tôi không thấy như vậy", ta thường quy chụp là người đó khó chịu, bất lịch sự, thích thể hiện... và ta sẽ phản bác ý kiến đó một cách mạnh mẽ. Do đó việc thể hiện quan điểm phản biện khiến là một việc tương đối khó khăn.

Thật ra, đồng ý với người khác dễ dàng hơn thể hiện quan điểm trực tiếp. Ta cảm thấy an tâm, tự tin khi người nghe gật gù tán thành những gì ta nói. Tuy nhiên việc né tránh những ý kiến phản biện thể hiện góc nhìn khác về vấn đề có thể làm ta mất cơ hội tìm ra giải pháp tốt hơn, thậm chí tránh được sai lầm. Ta hoàn toàn có thể nói ra ý kiến, góc nhìn riêng một cách cởi mở, tôn trọng mà không làm tổn hại mối quan hệ.


Bất đồng là một phần không thể thiếu và cần thiết cho các mối quan hệ bền vững lâu dài. Một môi trường làm việc không có xung đột bất đồng là điều không tưởng, người khác có thể dễ dàng thể hiện sự đồng ý nhưng trong đầu họ hoàn toàn không đồng ý. Thật ra điều đó rất không tốt cho chính bạn, cho công việc và tương lai của công ty. Sự bất đồng nếu được kiểm soát tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích và là một phần tất yếu của sự phát triển bền vững. Sau đây là một vài lợi ích của sự bất đồng có kiểm soát trong công việc.


1. Kết quả tốt hơn


Khi bạn và đồng sự cùng nhau tranh luận tìm kiếm những cách tiếp cận vấn đề tốt hơn, điêu này sẽ dẫn đến những giải pháp mới độc đáo hơn. Xung đột ý kiến cho phép chúng ta suy nghĩ xem xét vấn đề trên nhiều góc độ và tìm ra một giải pháp toàn diện hơn. Chúng ta sẽ phải suy nghĩ thấu đáo hơn. Bất đồng và xung đột là một trải nghiệm khó chịu, căng thẳng, nhưng nó là một điều phải trải qua để đi đến sự đổi mới thực sự. Nó cũng là một quy trình thiết yếu để nhận diện các mối nguy và đưa ra biện pháp kiểm soát rủi ro.


2. Cơ hội học hỏi và phát triển


Ta luôn cảm thấy khó chịu khi ai đó phản biện ý kiến của mình. Nhưng đó là cơ hội để học hỏi. Bạn lắng nghe ý kiến phản hồi, xem xét đánh giá và đưa những điều phù hợp vào giải pháp của mình. Phản hồi kịp thời là một phương pháp giúp chúng ta hoàn thiện bản thân.


3. Cải thiện mối quan hệ


Khi cùng tranh luận về các vấn đề, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và những người xung quanh. Chúng ta biết rõ điều gì là quan trọng với mình và với người khác, cách thức họ đưa ra quan điểm, ra quyêt định. Chúng ta tập trung vào việc phản biện để tìm ra giải pháp tốt hơn cho cả hai chứ không phải tấn công cá nhân, thể hiện bản thân hay vùi dập người đối diện. Hãy ghi nhớ, chúng ta hợp tác với nhau vì chúng ta có thể tạo ra một kết quả lớn hơn kêt quả của từng cá nhân.


4. Nâng cao sự hài lòng trong công việc


Khi chúng ta không ngại tranh luận mang tính xây dựng, chúng ta sẽ vui vẻ, hài lòng hơn trong công việc. Ta cởi mở hơn trong việc thể hiện quan điểm và tích cực đóng góp vào công việc chung.


5. Môi trường lao động hòa nhập


Một môi trường làm việc ủng hộ sự phản biện tích cực, thể hiện quan điểm khác biệt cho phép nhân viên làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.


Làm sao để phản biện một cách tích cực mà không cảm thấy khó chịu. Sau đây là một vài mẹo nhỏ:


A. Bạn không cần phải thể hiện là người thân thiện với tất cả mọi người. Thực tế thì sẽ luôn luôn có người không thích bạn cho dù bạn có dễ chịu, dễ thương đến mức nào. Thay vào đó hãy tập trung vào thể hiện sự tôn trọng đối phương và tôn trọng chính mình. Bạn thể hiện sự tôn trọng ý kiến đối phương và bạn cũng muốn họ lắng nghe quan điểm của mình. Phân biệt giữa tôn trọng cá nhân với sự bất đồng ý kiến của người đó về vấn đề đang thảo luận.


B. Tập trung vào bức tranh tổng thể, mục tiêu lâu dài. Hãy đặt câu hỏi điều gì là quan trọng là ưu tiên cho dự án này, cho phòng ban, cho công ty trong năm nay và những năm tới. Những giá trị cốt lõi của công ty là gì và điều ta đang làm thể hiện những giá trị đó chưa?


C. Tìm kiếm những người giỏi trong việc thể hiện ý kiến bất đồng, quan sát và học hỏi cách họ thực hiện. Sau đó hãy bắt chước. Theo thời gian bạn sẽ quen và điều chỉnh thành cách thức riêng của chính mình.


Dù bạn chọn cách nào, thì hãy bắt đầu từ những vấn đề nhỏ. Lên kế hoạch, thực hành, điều chỉnh. Tập luyện với những người khác nhau từ người dễ tính đến người khó tính. Hãy luôn ghi nhớ tranh luận là để tìm ra giải pháp tốt hơn, luôn tôn trọng đối phương cho dù ý kiến của họ như thế nào, không sa vào tấn công cá nhân.

Theo HBR

Comments


bottom of page