top of page

5 hiểu lầm phổ biến về mindfulness

Đạt đến trạng thái không suy nghĩ: Trạng thái hiện hữu hay còn gọi là không làm khác với không nghĩ. Bạn vẫn suy nghĩ nhưng biết là mình đang suy nghĩ điều gì và hướng tâm trí của mình đến những suy nghĩ thiết thực hơn, tập trung vào nhận thức và hiểu rõ toàn cảnh hơn là bi kịch hoá thực tại và lo lắng quá độ cho tình huống không mong muốn.

Không căng thẳng: Mindfulness sẽ giúp bạn quản lý căng thẳng hiệu quả, và sống với nó một cách hài hoà. Căng thẳng là một phần trong cuộc sống, chỉ cần nhận thức được nó, cho nó thời gian và không gian hoạt động, và nó sẽ tự trôi qua mà không làm phiền bạn nữa. Mindfulness giúp bạn không phản ứng với căng thẳng vì như vậy sẽ khiến bạn càng dễ mệt mỏi và kiệt sức, thay vào đó, thái độ phù hợp là chấp nhận và phản hồi với căng thẳng một cách tỉnh thức để cơn căng thẳng không còn trở nên đáng sợ.


Không sân si: Sân si ở đây hiểu nôm na là so sánh với người khác và muốn đạt được điều người khác có mà mình chưa có được. Thực ra, mindfulness sẽ giúp bạn hiểu được khi bản thân bạn có suy nghĩ kiểu sân si và kéo bạn về với thực tại, thay vì để suy nghĩ đó thống trị tâm trí bạn khiến bạn buồn bực, khổ sở. Bạn vẫn có thể mong muốn phát triển bản thân và công việc, miễn là điều đó phù hợp với khả năng của bạn và không quá viển vông hoặc xa rời thực tế.


Không mong cầu: Hãy nhớ chấp nhận khác với buông xuôi. Chấp nhận thực tại để có sự chuẩn bị và lên kế hoạch phù hợp cho những vấn đề trong cuộc sống. Mindfulness giúp bạn hiểu khi nào sự mong cầu của mình là không phù hợp với thực tế và khiến chúng ta khổ sở vì thất vọng. Thay vào đó, chúng ta có thể chấp nhận và thừa nhận sự không hoàn hảo, đồng thời tin tưởng những nguồn lực xung quanh mình. Ví dụ: nếu bạn mong ước con cái học giỏi, ngoan ngoãn, điều này không có gì là xấu. Nhưng Mindfulness sẽ giúp bạn hiểu rõ mong muốn của bạn và dừng lại ở mức độ vừa đủ để không so sánh với con người khác khiến bé gặp nhiều áp lực trong học tập.


Không quan tâm, không cảm xúc: Khi bạn thực hành Mindfulness, bạn có thể trở nên điềm tĩnh và bình thản hơn. Điều này dễ bị hiểu nhầm là bạn không còn quan tâm đến các vấn đề trong cuộc sống. Thực ra, sự chú tâm sẽ giúp bạn chủ động phớt lờ hoặc giảm bớt sự quan tâm những thứ không có ý nghĩa trong cuộc sống của bạn, để dành năng lượng và thời gian cho những thứ ý nghĩa hơn như sức khoẻ, niềm vui của bản thân, những khoảnh khắc với gia đình và thời gian dành cho con cái. Có thể bạn sẽ không còn cần phải đọc tin tức giật gân hoặc chạy theo trend nếu thấy nó không phù hợp với chính mình hoặc điều đó không mang lại cảm xúc tích cực cho bạn. Ví dụ, trước đây khi đọc các bài báo về bạo hành trẻ em, mình đã cảm thấy rất buồn và bức xúc, và suy nghĩ về chuyện đó rất nhiều. Bây giờ mình không quá chú ý đến chi tiết những câu chuyện như vậy nữa, vì thực tế bản thân mình cũng không làm được gì, và mình tin tưởng cơ quan chức năng sẽ có cách xử lý phù hợp cho các trường hợp được nói đến.


留言


bottom of page